ledota - tuthien

ĐÔI NÉT VỀ LỄ SENE ĐÔNLTA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER TRÀ VINH

Lễ Hội

ĐÔI NÉT VỀ LỄ SENE ĐÔNLTA

CỦA ĐỒNG BÀO KHMER TRÀ VINH

   Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ, hàng năm, cứ vào cuối tháng 8 âm lịch  đồng bào Khmer Nam Bộ tổ chức lễ Sene Đônlta hay gọi là lễ cúng ông bà. Mùa Đônlta năm nay rơi vào các ngày 5,6,7 tháng 10 dương lịch nhằm ngày 30/8, mùng 1, mùng 2 tháng 9 âm lịch. Hàng năm tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động, học sinh , sinh viên người dân tộc khmer đều được nghỉ 3 ngày để đón mừng lễ.

 Lễ Sene Đônlta của bà con người Khmer Nam Bộ là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, những người quá cố đối với con cháu. Ngoài ra, Lễ này vừa thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer Nam bộ.

 Lễ có 4 nghi lễ chính tại Chùa và tại mỗi nhà người dân tộc Khmer, gồm: lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh), lễ cúng ông bà (Banh Sen Dolta), lễ hội (Banh phchum banh) và lễ tiễn ông bà (Banh chuônh Dolta).

  Nghi lễ đặt cơm vắt: thông thường diễn ra từ ngày 16 đến ngày 30 tháng 8 âl hàng năm. Vào những ngày Sene Đônta, các vị À cha và những người lớn tuổi (đã tu) thường đăng ký ngủ tại chùa. Họ thức rất sớm (khoảng 3-4 giờ sáng), quét dọn chùa sạch sẽ, tất bật chuẩn bị nấu xôi nếp làm cơm vắt và nấu thức ăn sáng dâng cho Sư. Các vị à cha phân công cho từng tổ (Vệnh) thay phiên nhau đem gạo nếp, thực phẩm, nhang đèn, tiền bạc… qua chùa để tổ chức nấu nướng và cúng liên tục trong thời gian 15 ngày. Mỗi ngày nấu nhiều mâm cơm, đặc biệt có một mâm cơm được vắt thành viên tròn nhỏ, người Khmer gọi là “bai benh”. Theo các vị chức sắc ở phum sóc thì bai benh là phần cơm dâng cúng cho người đã chết. Bai benh được đặt trong mâm cùng với bánh trái, thức ăn rồi đem lên Sa la cúng, sau đó ông à cha đem mâm đó để trong chánh điện, rồi mời sư tụng kinh cầu phước cho linh hồn những người trong họ tộc đã quá cố. Sau khi nghe sư tụng kinh xong, mọi người đem cơm vắt ra ngoài, rồi đi 3 vòng chánh điện và cúng cơm vắt cho ma quỷ. Lễ đặt cơm vắt được cúng liên tục tại chùa trong vòng 15 ngày trước ngày đônlta. Nghi thức cúng cơm vắt là một trong những nghi thức không thể thiếu trong dịp Sene Đônta của đồng bào dân tộc Khmer, không chỉ có người lớn mà các em nhỏ cũng tranh thủ thức sớm để tham gia nghi thức này.

Nghi lễ Sene Đônlta ngày nay diễn ra trong 3 ngày tại các gia đình người khmer và chùa nam tông Khmer từ ngày 30/8 đến ngày mùng 2/9 âl gồm:

Ngày thứ nhất (nghi lễ cúng tiếp đón ông bà). Mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Tùy theo điều kiện kinh tế từng nhà, mỗi người sẽ có cách chuẩn bị khác nhau nhưng lễ vật thường có điểm chung đều là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của người Khmer Nam bộ. Mâm cơm thường gồm cơm, thức ăn, bánh trái, rượu, trà, trầu cau… và mời các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn,  khấn vái mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu. Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Ngoài ra, các vị achar lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng tam bảo, mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho linh hồn những người quá cố, rồi đem ra ngoài để chung quanh chính điện cúng cho những vong hồn cô đơn, không có con cháu.

Ngày thứ hai (nghi lễ hội): Vào buổi trưa, bà con người Khmer chuần bị mâm cơm cùng bánh, trái… mang vào chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể), sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả các linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà trong phum, sóc, bà con Phật tử trong phum sóc cùng ăn, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm mới cúng ông bà và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.

ledota - tuthien

Ngày thứ ba (nghi lễ cúng tiễn ông bà): Mỗi nhà, bà con chuẩn bị một mâm cơm, họ mời vài vị sư sãi cùng họ hàng thân tộc trong phum sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố. Riêng phần chuẩn bị cho ông bà, người thân quá cố, bà con làm chiếc thuyền bằng bẹ chuối, có gắn thêm cờ phướn, 02 hình nộm (tương trưng cho tổ tiên) và các thức cúng mọi thứ một ít, có cả các gói gạo, muối, quần áo, tiền, vàng mã… rồi người nhà thắp nhang, đèn mang thuyền thả dưới dòng sông, kênh rạch gần nhà để đưa ông bà và những người thân quá cố về lại thế giới bên kia.

ledota - tuthien

Tuy nhiên, ngày nay lễ hội có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Hiện nay việc cúng lễ Sene Đônlta đã đơn giản hơn trước nên việc thả thuyền

ledota - tuthien

Tiễn ông bà chỉ còn ít gia đình thực hiện ở từng nhà, mà chủ yếu các chùa làm tập thể rùi thả ra sông.

ledota - tuthien

Lễ Sene Đônlta của đồng bào dân tộc Khmer vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, để nhắc nhớ mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân những bậc tổ tiên đã đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, lễ Sene Đônlta như một nét độc đáo của người Khmer Nam Bộ góp chung vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.
@Sơn Khởi.

san sẻ yêu thương

vicongdong Administrator
Sorry! The Author has not filled his profile.
follow me
Tagged

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *